“Chuột Mickey” kiên cường

by comments
Photobucket

Kể từ sau World Cup 2002, bóng đá Hàn Quốc đã giới thiệu được nhiều cầu thủ cho các giải VĐQG ở châu Âu. Tuy nhiên, không nhiều người tìm được thành công ở các đấu trường khắc nghiệt này. Ngoại lệ duy nhất là Park Ji Sung, cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên thi đấu cho M.U và đã giành được nhiều danh hiệu cao quý cùng đội bóng lừng danh này.

Park Ji Sung chưa bao giờ cảm thấy thất vọng tột cùng như khi anh đứng trong phòng cầu thủ của M.U tại SVĐ Luzhniki ở Moscow hồi tháng 5/2008. Các đồng đội của anh đã sẵn sàng ra sân để gặp Chelsea ở trận CK Champions League giữa 2 đội bóng Anh lần đầu tiên trong lịch sử, thế mà Park vẫn phải khoác bộ veston đồng phục của CLB.

Dù đã thi đấu không thiếu một phút nào trong các trận tứ kết và bán kết, nhưng Park vẫn không được góp mặt trong trận CK này. Thậm chí, anh còn không được HLV Ferguson điền tên vào danh sách cầu thủ dự bị. Sau trận đấu, ông Ferguson thừa nhận: “Đây là một trong những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi”. Tuy nhiên, không phải ai cũng ngạc nhiên với quyết định này của ông Feruson. Một trong số đó là Avram Grant, lúc đó là HLV của Chelsea. HLV người Israel lý giải: “Trong trận bán kết với Barcelona, Park được vào sân vì Ferguson cần một cầu thủ luôn đuổi theo bóng và cản phá quyết liệt. Nhưng trong trận gặp Chelsea, Ferguson muốn tạo ra những điều khác hơn bằng sơ đồ 4-4-2”.

Cho đến giờ, giới báo chí Hàn Quốc vẫn còn dùng từ “ác mộng” mỗi khi nhắc đến trận CK Champions League 2008 như một sự thông cảm sâu sắc với Park. Tuy vậy, sau trận đấu, Park vẫn nói: “Đội nhà thắng là tôi đã hạnh phúc rồi, dù thành thật mà nói thì tôi vô cùng thất vọng khi không được góp mặt trong một trận đấu lớn như thế. Tuy nhiên, rồi sẽ có một cơ hội khác cho tôi”. Sir Alex đánh giá rất cao thái độ này của Park. Trong đội hình M.U lúc đó có không ít “cái tôi”, nhưng Ferguson biết rằng ông sẽ không gặp rắc rối gì trong quyết định này vì ông biết Park luôn biết cách kiểm soát cảm xúc và hành động của mình. Ngược lại, chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu như ông không cho một trụ cột khác thi đấu trong trận CK này, nếu anh ta thật sự sung sức.

Người hâm mộ ở Hàn Quốc gọi Park là “Chuột Mickey”, còn các đồng đội ở Old Trafford gọi anh là “Người có 3 lá phổi”. Từng dẫn dắt Park trong thời gian nắm đội tuyển Hàn Quốc, ông Guus Hiddink hiểu rất rõ về anh: “Nhiều người ngạc nhiên khi tôi mang Park đến châu Âu. Và dù anh ta chỉ đóng “vai phụ” cho những ngôi sao khác trong đội, nhưng tôi luôn đánh giá cao những sự đóng góp của anh ta. Park luôn thi đấu không mệt mỏi, dễ dàng nuốt trọn 90 phút trên sân, rất thông minh và luôn kiên quyết trong mọi hành động”. Ông Avram Grant hoàn toàn đồng ý với nhận định trên: “Đó là một cầu thủ rất siêng năng và anh ta đã tạo nên sự cân bằng cho đội bóng bên cạnh những cầu thủ có óc sáng tạo hơn. Park không phải mẫu cầu thủ thường xuyên ghi bàn, nhưng anh ta có thể chiến đấu cho cả đội. Không chỉ Ferguson mà mỗi đội bóng đều cần một cầu thủ như thế”.

Người hiểu rõ Park Ji Sung nhất chính là bố anh, ông Park Sung Jong. Điều ông thấy nơi cậu con trai của mình không phải là thể hình bất lợi mà chính là tính kiên định trong mọi việc. Ai cũng nghĩ rằng được thi đấu cho PSV Eindhoven đã là điều tốt nhất cho một cầu thủ Hàn Quốc, nhưng Park Ji Sung luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ được khoác áo của một đội bóng bậc nhất châu Âu, như lời của ông Jong: “Hồi còn bé, khi xem các trận đấu của giải vô địch Anh, nó đã nói: "Con muốn thi đấu ở đây”.

Thế nhưng, con đường dẫn Park Ji Sung đến sân Old Trafford không phải chỉ được rải bằng hoa hồng...

Photobucket

Những ngày gian khổ

Sinh năm 1981 ở Seoul, Park Ji Sung lớn lên ở Suwon trong một gia đình lao động mà bố mẹ đều là công nhân của một xưởng sản xuất thép ở Suwon.

Đó là một tuổi thơ đầy gian khổ, nhưng anh chẳng bao giờ che giấu: “Nhiều hôm tôi ăn chẳng đủ no”. Có thể vì lý do đó mà sau này bố anh luôn muốn giúp đỡ những cầu thủ trẻ không có điều kiện đeo đuổi nghiệp bóng đá.

Lần đầu đến tập trung tại trung tâm đào tạo bóng đá Suwon Engineering, Park suýt bị loại vì vóc dáng nhỏ thó của anh. May mà một HLV đã nhìn ra những tố chất tiềm ẩn nơi một cầu thủ tài năng và nhận Park vào trung tâm cùng biệt danh “Chuột Mickey” dành cho anh. Vài năm sau, ông giới thiệu Park đến thi đấu cho trường đại học Suwon và đội bóng này đã chắp cánh cho sự nghiệp của anh bay cao. Tài năng của Park Ji Sung phát lộ ngay từ những bước khởi đầu ở đội tuyển U.23 và anh được điền tên vào danh sách đội tuyển Olympic tham dự Sydney 2000.

Cũng trong năm đó, Park chuyển sang thi đấu cho CLB Kyoto Purple Sanga ở Nhật và trở thành ngôi sao dưới trướng của HLV Gert Engel. HLV người Đức này nhớ lại: “Ngay từ những ngày đầu tiên quan sát Park, tôi biết ngay đây là một tài năng đặc biệt, nhưng chẳng thể ngờ rằng sẽ có lúc cậu ta khoác lên người chiếc áo thi đấu của M.U”. Park góp công giúp Kyoto đoạt Cúp Hoàng đế vào năm 2002, danh hiệu duy nhất của đội bóng này cho đến nay.

Dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc trong thời gian diễn ra World Cup 2002, ông Guus Hiddink khẳng định: “Park là cầu thủ không thể thiếu trong mọi kế hoạch của tôi”, và khi chia tay đội tuyển Hàn Quốc để quay về dẫn dắt PSV Eindhoven, ông đã mang theo Park.

Cho đến nay, Cha Bum Kun vẫn được xem là cầu thủ Hàn Quốc thành công nhất khi thi đấu ở châu Âu, do ông từng cùng Eintracht Frankfurt và Bayer Leverkusen đoạt Cúp UEFA, nhưng Park Ji Sung không chỉ là người kế thừa xứng đáng nhất mà còn có thể “vượt mặt” cả huyền thoại bóng đá Hàn Quốc này. Tuy nhiên, giai đoạn đầu ở châu Âu không hề dễ dàng với Park, mà điều bất ngờ nhất là mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp với chính ông Guus Hiddink. “Hiddink ở PSV là một người khác hẳn với những gì mà tôi biết khi ông ấy còn ở Hàn Quốc”, Park đã nói như thế về người đã mở rộng cánh cửa tương lai của mình. Ở Hàn Quốc, Hiddink như là một người cha đúng nghĩa của Park, còn bây giờ ông chỉ còn là một HLV.

Thêm nữa, mọi thứ ở Hà Lan đều khác hẳn với sự tưởng tượng trước đó của Park, cả trong bóng đá lẫn cuộc sống thường ngày. Lúc ấy, chẳng ai đánh giá cao một cầu thủ Hàn Quốc dù người đó vừa vào đến vòng bán kết World Cup dưới sự dẫn dắt của một HLV Hà Lan. Park cảm thấy sợ, nhưng vẫn tự nhủ phải nhanh chóng tìm cách thích ứng. Chưa kịp hành động thì anh đã bắt đầu bị chỉ trích vì “tài nghệ quá xoàng”. Đã thế, chỉ 2 tháng sau khi đến PSV, Park bị chấn thương nặng ở gối. Các bác sĩ quyết định làm phẫu thuật để hy vọng cứu vãn sự nghiệp của anh.

Bố mẹ Park đã nghĩ đến chuyện đưa anh trở lại Hàn Quốc. Không ít CLB ở Hàn Quốc và Nhật sẵn sàng trải thảm đỏ đón anh trở về. Ông Park Sung Jong không giấu được nỗi lo: “Mọi thứ ở châu Âu khác hẳn với những gì chúng tôi đã nghĩ. Khi Park thi đấu không tốt, nhiều người đã ném chai lọ về phía nó và sỉ vả bằng mọi điều mà họ nghĩ ra. Park không thể nào làm quen được với những điều đó”. Nhưng đó cũng là lúc Park thể hiện tính kiên cường của mình. “Nó nói rằng không bao giờ chấp nhận thất bại”, bố của Park nói. Nhưng mãi đến mùa bóng tiếp theo, nụ cười mới lại nở trên môi của Park khi anh tìm lại được tài năng vốn có. PSV Eindhoven giành được quyền thi đấu ở Champions League và HLV Guus Hiddink không có gì phải chê trách anh: “Chính anh ta đã chứng minh được năng lực của mình. Tôi hoàn toàn hài lòng với những sự tiến bộ của Park”.

Photobucket

Biểu tượng của thể thao Hàn Quốc

Park Ji Sung đã tự giới thiệu mình một cách ấn tượng khi PSV Eindhoven xuất sắc lọt vào đến vòng bán kết Champions League mùa 2004-2005. Trong đội hình có Marc Van Bommel và Philip Cocu, PSV đã vượt qua Milan 3-1 ở trận lượt về, với bàn thắng mở tỷ số của Park Ji Sung. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để giúp PSV giành được quyền góp mặt ở trận CK, vì họ đã để thua 0-2 ở trận lượt đi nên bị loại theo luật bàn thắng trên sân đối phương.

Những trận đấu của PSV đã khiến cho M.U chú ý đến Park. Họ nhanh chóng đặt vấn đề mua anh, nhưng PSV đã kiên quyết từ chối. Khi biết ông Alex Ferguson từng gọi điện cho Park, HLV Guus Hiddink đã nổi giận đùng đùng vì PSV đang muốn gia hạn hợp đồng với anh thêm 3 năm nữa. Ông khuyên nhủ rồi quát mắng cậu học trò, nhưng tất cả những hành động đó vẫn không lay chuyển được quyết định ra đi của Park. PSV đành làm khó M.U bằng cách “hét giá” Park lên đến 10 triệu bảng. Không chỉ thế, ông Hiddink còn mang mối quan hệ thân tình giữa PSV và Chelsea ra để “dụ” Park: “Ở lại PSV thêm một thời gian nữa rồi tôi sẽ thu xếp cho cậu sang Chelsea”. Nhưng Park vẫn kiên quyết về với ông Alex Ferguson, dù luôn cảm thấy áy náy: “Khi quyết định sang M.U, tôi có cảm giác như mình đã phản bội Guus Hiddink. Tôi biết ông ấy rất muốn tôi ở lại, nhưng tôi không thể bỏ qua cơ hội biến giấc mơ thời thơ ấu của mình thành sự thật”. Cuối cùng, M.U mua được Park với giá 4 triệu bảng. Đây không phải là lần đầu tiên HLV Alex Ferguson có được cầu thủ mà ông muốn.

Đạt được ước nguyện, nhưng Park vẫn chưa hết lo. “Liệu lần chuyển nhượng này có xấu hơn những gì mình đã hy vọng không?” là câu hỏi đã đeo đuổi Park suốt những ngày chuẩn bị ở Hà Lan, nhưng anh biết mình không còn đường lui nữa.

Sự nghiệp của Park tại Old Trafford đáng được xem là thành công. Ngay mùa đầu tiên, anh đã có tên trong đội hình xuất phát đến 33 lần và đoạt được danh hiệu đầu tiên cùng M.U (League Cup). Và người ta cũng chẳng nhớ là từ lúc nào, anh đã chiếm được một vị trí vững chắc trong đội hình chính thức của ông Ferguson. Bây giờ, Park đã bỏ nỗi thất vọng ở sân Luzhniki lại phía sau với niềm tin sẽ cùng M.U góp mặt trong trận CK Champions League mùa này. Ông Ferguson đã hết lời khen ngợi Park sau 2 trận đấu với Inter ở vòng 1/8 Champions League 2008/09 vừa qua: “Tôi không thể diễn tả hết phong độ của cậu ta”. Và phần thưởng cho sự nỗ lực này là bản hợp đồng gia hạn thêm 4 năm đang được soạn thảo.

Với việc chuyển sang M.U, Park Ji Sung đã trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Hàn Quốc, cả trong lĩnh vực thể thao lẫn thương mại. Park đã vươn lên hàng tỷ phú từ những hợp đồng quảng cáo ở Hàn Quốc. Ngay cả cuốn tự truyện Thách thức không ngừng của anh cũng thuộc dạng best-seller, mang về cho anh thêm một số tiền lớn nữa. Website chính thức của anh có hơn 87.000 hội viên dù họ đều phải đóng tiền lệ phí mỗi năm. “Park Ji Sung đã trở thành biểu tượng thể thao sáng giá nhất ở Hàn Quốc, và có lẽ là ở cả châu Á”, Davide Grasso, người phụ trách tiếp thị khu vực châu Á của Nike, đã nhận định như thế và nói thêm: “Có thể C.Ronaldo và Rooney có sức thu hút giới quảng cáo ở Anh, nhưng vẫn không thể nào so với Park ở Hàn Quốc. Chính Park được bình chọn là VĐV được mến mộ và có ảnh hưởng nhất của thể thao Hàn Quốc”.

Còn với bản thân mình, dù mới 28 tuổi nhưng Park cũng đã chuẩn bị cho ngày giã từ sự nghiệp cầu thủ. Anh đã lập ra một công ty nhằm phát triển tài năng bóng đá trẻ và đầu tư đến 13 triệu USD vào một trung tâm thương mại mang tên Star Plaza ở Gyeonggi, nơi anh cũng thành lập một học viện bóng đá trẻ do cha anh quản lý.

Park muốn chia sẻ ngôi sao may mắn của mình cho những đứa trẻ có niềm đam mê bóng đá như mình ngày xưa...


Theo [ Thể thao Hồ Chí Minh ]
> Park Ji-Sung - Wikipedia
Manchester United
NAD
25/03/2009
11

Comments

  1. Hay nhỉ. Mà ko biết sao tụi HQ lại gọi là chuột Mickey nữa, có thấy giống chuột tí nào đâu :| :D

    ReplyDelete
  2. Có đọc mới biết thêm nhiều điều về Park Three Lung và cảm phục về ý chí của anh. Cám ơn chú NAD về bài này ;)

    ReplyDelete
  3. Bài viết hay quá, mình đọc được tận 4/5, 1 kỷ lục ở MUSVN :)

    ReplyDelete
  4. @Nistelrooy: Có khi tại Park JS thích chuột Mickey cũng lên :)) :D :P

    @FDKGenie: Park "Three Lung" là sao anh? :) :-"

    @Ẹt: Đis mịa bạn :(

    ReplyDelete
  5. Three-Lung Park :x Có 1 fan MU đã nói một đội bóng thành công thì cứ có 1 Ronaldo lại cần 3 Park :)

    @NAD: Three Lungs là 3 phổi ;))

    ReplyDelete
  6. 3 lung, ra thía. Lắm vẹo :)) :D

    ReplyDelete
  7. Bài này hay quá. Nói chung mình cũng khá thích Park, với lại cầu thủ này là dân Châu Á nên nhìn thấy anh sát cánh cùng với Rooney hay Ronaldo trên hàng công của MU cũng cảm thấy tự hào.
    Hy vọng là thời gian nghỉ gần 2 tuần sẽ vật dạy tình thần cho các cầu thủ MU.

    ReplyDelete
  8. em thick mỗi bác Pắc , mọi lần xem Mu đá chỉ mong xem Park có đá ko........

    ReplyDelete
  9. Park đc cái đá nhiệt tình, cần cù giống Tevez :D. Ở M.U, hình như Park, Tevez và Evra là 3 người chơi thân với nhau :D.

    Ở Hàn Cuốc, tên Park đã trở thành tên con đường nơi anh sinh ra. Từ trước cho tới nay, Park chắc chắn là cầu thủ châu Á thi đấu thành công nhất tại châu Âu. Với Park, C.Ro, Nani, Fletcher, Giggs hay Tosic thì M.U cũng ko cần phải có thêm tiền vệ đá tốt ở cánh nữa nhỉ :D

    @Danh bạ web 2.0: "vật dạy" tinh thần là sao bác, vực dạy chứ :)) :P. Hy vọng lần trở về thi đấu cho ĐTQG tới, các cầu thủ M.U vẫn lành lặn và khỏe mạnh vì những trận tới của Quỷ đỏ vô cùng quan trọng. Park sẽ đeo băng đội trưởng ĐT Hàn Quốc gặp người anh em Triều Tiên... :D

    ReplyDelete
  10. Hàn Quốc đá đấm đéo gì, jờ gặp VN đảm bảo tắt điện. Ôi, Công VInh, Tài Em, Như Thành, Hồng Sơn,... Ôi đẹp tuyệt vời Tổ Quốc của ta, ta muốn xây thêm bao mái nhà cao, cao mãiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii

    ReplyDelete
  11. Ặck ặck =)) ;))

    ReplyDelete

Post a Comment

FeedBΛCK

!ИstΛgrΛm

nguyenanhduy.com, thằng điên

.........* Giao diện này sử dụng định dạng ảnh webp, hãy dùng trình duyệt phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất!