Trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, có lẽ chỉ có ba nhân vật văn võ toàn tài, vừa có võ công tuyệt đỉnh lại vừa có trí huệ sắc bén, và là ba nhân vật kiêu ngạo bậc nhất.
Đó là Đông tà Hoàng Dược Sư, Kim mao sư vương TạTốn và giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành.
Nếu Hoàng Dược Sư hấp dẫn người đọc bởi cái tài hoa cô độc, nếu Tạ Tốn khiến người đọc kính nể vì kiến văn uyên bác, thì Nhậm Ngã Hành làm người đọc khoan khoái vì chất lỗ mãng giang hồ. Và ông là bậc đại tôn sư võ học duy nhất không ngần ngại phô diễn cái tôi với tất cả cái xấu lẫn cái tốt của nó, đúng với cái tên Nhậm Ngã Hành (làm theo ý mình). Cái tài hoa của Hoàng Dược Sư dù sao vẫn còn mang chút màu mè của hạng quý tộc, sự uyên bác của Tạ Tốn vẫn có một chút từ chương của giới hàn lâm, chỉ có Nhậm Ngã Hành là hoàn toàn chất phác, giống như chưởng pháp của ông khi giao đấu với Thiên Thủ Như Lai chưởng của Phương Chứng đại sư. Người sao chưởng vậy, không ly kỳ biến ảo, nhưng trong thô phác lại hàm chứa tinh hoa. Chỉ những người có bản lĩnh thực sự và có sở đắc chân chính như Nhậm Ngã Hành mới dám vất bỏ mọi lớp vỏ văn hóa hoa hòe che phủ bản thân, để hiện ra một cách trần trụi với mọi cái xấu, cái tốt không thèm che dấu, như Một Con Người thực sự. Khi thì ăn nói cùng cực sắc bén đúng với phong độ của một đại tôn sư võ học, khi thì hành xử rất mực thô lỗ, thậm chí hạ cấp, như bọn hảo hán giang hồ. Đánh mãi với Phương Chứng, liệu thế không xong thì vờ tấn công Dư Thương Hải để dùng mưu đánh ngã Phương Chứng. Không thích Tả Lãnh Thiền nhưng lại thành thật công nhận: ”Nễ võ công liễu đắc, tâm kế dã thâm, ngận hợp lão phu đích đảm trụ" ̣(ngươi võ công có chỗ hơn người, lại có mưu kế sâu, điều đó rất hợp với tâm ý lão phu”). Ông chỉ chê Tã Lãnh Thiền một điểm là đã có dã tâm thôn tính Ngũ Nhạc kiếm phái thì cứ ngang nhiên mà làm, không cần phải dùng đến những thủ đoạn lén lút, những âm mưu quỷ kế đê hèn không xứng đáng với bậc anh hùng hảo hán. Nhậm Ngã Hành cũng không hề che dấu tham vọng bá chủ võ lâm của mình.
Hiếm có vị tôn sư võ học nào lại ngang nhiên tự nhận: “Lão phu võ công ký cao, tâm tư hựu thị cơ mẫn vô tỷ, chỉ đạo phổ thiên hạ dĩ vô kháng thủ” (lão phu võ công đã cao, tâm tư lại bén nhạy nhất đời, cứ cho rằng khắp thiên hạ không có đối thủ). Và do đó ông phải vô cùng bội phục kẻ đã soán đoạt ngôi vị giáo chủ của mình là Đông Phương Bất Bại. Đối với Xung Hư đạo trưởng thì ông ca ngợi nhân cách và Thái cực kiếm pháp của vị chưởng môn hết lời, nhưng lại khẳng định ngay: ”Nễ đích Thái cực kiếm pháp tuy cao, vị tất thắng đắc quá lão phu” (Thái cực kiếm pháp của đạo trưởng tuy cao, nhưng chưa chắc đã thắng nỗi lão phu)!
Môn Hấp tinh đại pháp mà Nhậm Ngã Hành khổ luyện cũng có ý nghĩa riêng của nó: gom hết những tinh hoa trong thiên hạ để về phục vụ cho chính cái tôi của mình. Đó cũng là môn võ công biểu hiện quan điểm cực đoan của “Duy ngã độc tôn”. Cái tôi của Nhậm Ngã Hành khi được khoáng trương đến cực độ thì tại điểm “bách xích can đầu” sẽ “hoặc dược tại uyên” (nhảy vào hố thẳm), như con rồng của quẻ Kiền trong kinh Dịch, để vỡ tan ra từng mãnh. Bước nhảy đó sẽ là điều kiện tối hậu để Nhậm Ngã Hành với Hấp tinh đại pháp bắt gặp kịp Phương Chứng đại sư với Dịch cân kinh. Cái tâm đại bi vô lượng của một bậc đại tôn sư võ học sẽ hóa giải cái tôi cực kỳ bá đạo của một đại tôn sư võ học khác, cũng như cái Duy Ngã Độc Tôn sẽ cùng cõi Chân Không Diệu Hữu viên dung nhất thể. Cái Tôi được khẳng định đến cùng cực, khi gặp cơ duyên, sẽ dễ dàng tan biến vào cái đối cực của nó là cõi Man Mác Huyền Minh. Nhưng muốn biểu hiện cái tôi như Nhậm Ngã Hành thì ta phảicó bản lĩnh chân thực. Không có bản lĩnh chân thực thì cái tôi đó cũng chỉ là cái hình ảnh thảm hại của năm anh chàng võ nghệ mèo quào học đòi lên Hoa sơn luận kiếm! Như Tây Thi nhăn mặt thì cả làng đều say đắm, Đông Thi bắt chước nhăn mặt thì cả làng đều bỏ chạy. Muốn học cách viết Sử Ký như Tư Mã Thiên thì phải học cách du sơn ngoạn thủy như Tư Mã Thiên, muốn kiêu ngạo và phô diễn cái tôi như Nhậm Ngã Hành thì tự xét mình đã có được cái bản lĩnh như Nhậm Ngã Hành không? Có dám ngang nhiên phơi bày mọi cái xấu lẫn cái tốt, vì hiểu rằng cái xấu hay tốt đó đều “bất khả tư nghì” đối với cao thủ cỡ Dư Thương Hải không? Và có thực dám “nhậm ngã hành” (làm theo ý mình) không? Có dám tự thấy ”Lão phu võ công ký cao, tâm tư hựu thị cơ mẫn vô tỷ, chỉ đạo phổ thiên hạ dĩ vô kháng thủ” chưa?
Huỳnh Ngọc Chiến
related posts
Kim Dung
NAD
16/05/2008
2
bài này lấy ý tưởng trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.
ReplyDeleteBạn có nhầm ko?, bài này của Huỳnh Ngọc Chiến viết từ cái thời chưa có báo online, lâu lắm rồi.
ReplyDelete