“Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi…”
“Đào hoa ảnh lạc phi thần kiếm, bích hải triều sinh tấu ngọc tiêu…”
Hai câu thơ diễm tuyệt trên Thí Kiếm Đình sao hào hoa đến vậy! Tiếng thơ giữa muôn trùng biển khơi, ẩn hiện trong bàng bạc khói sương Đào hoa đảo. Nơi ấy có hoa đào rơi giữa chập chờn kiếm ảnh – có tiếng tiêu sầu réo rắt trên sóng nước đại dương. Nơi ấy trùng trùng tàng ẩn những kỳ môn trận pháp để không một kẻ tục khách nào cả gan bén mảng. Nơi ấy dường như xa lắm cái thế giới dung tục tầm thường của con người để thành một cõi trời riêng huyền hoặc uy trấn Đông phương cho một tâm hồn ngạo thế khinh nhân: Đông tà Hoàng Dược Sư.
Trong thế giới võ hiệp ly kỳ của Kim Dung không thiếu những nhân vật phong lưu trác tuyệt văn võ song toàn nhưng có lẽ khó ai sánh bằng Hoàng Dược Sư. Thanh bào quái khách ấy mới ngạo nghễ khinh đời làm sao! Tài năng khí phách họ Hoàng quả là nghiêng trời lệch đất, lại làu thông cầm kỳ thi hoạ, lẫn toán học, thiên văn, thuật số, y học... một kiểu thiên tài “tiền vô cổ nhân hậu vô lai giả” như... Leonard Da Vinci! Tự nhận mình là “tà” để thách thức cả thiên hạ vốn dĩ đảo điên phân biệt chánh tà, Hoàng Dược Sư xứng là kẻ “chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Cuộc giang hồ vốn ngổn ngang những thứ rối rắm thị phi, tranh giành phân biệt. Nhưng khi chúa đảo Đào Hoa xuất hiện là mọi thứ thị phi tầm thường của tha nhân phải biết im lặng phục tùng. Khi bị vu oan giết Giang Nam thất quái họ Hoàng không thèm nữa lời biện bạch. Đông tà muốn là làm, hành vi thì tà mị cổ quái như chọc mù mắt đâm thủng tai bọn trộm cướp rồi bắt về đảo làm nô bộc.
Là kẻ nóng tánh bạo tàn đối xử tàn nhẫn với môn đệ? Là kẻ cổ quái dị nguỵ mục hạ vô nhân? Là kẻ tham vọng điên cuồng toan chiếm Cửu âm chân kinh để độc bá võ lâm? Là tuyệt đại kỳ nhân tỏ tường mọi tinh hoa nhân thế? Hoàng Dược Sư có lẽ không hề mảy may quan tâm những gì thường nhân gán cho mình. Đông tà chỉ ngạo nghễ vượt lên những giềng mối tầm thường, đạp bằng những thị phi giả dối đó. Đơn giản là “voi không thể dạo chơi trên những lối mòn thỏ chạy”, kênh rạch tầm thường làm sao thấu hiểu những bát ngát trường giang mênh mông đại hải? Hình bóng áo xanh của quái khách ấy cứ chập chờn như quỷ mị trong những tiếng tiêu sầu réo rắt đâu đó thoát ẩn thoát hiện, phiêu linh vô định giữa trùng khơi hay giữa cuộc trần gian hư ảo những bóng hoa đào...
Khi tiếng ngọc tiêu của họ Hoàng và thiết cầm của Tây Độc giao đấu trên đảo Đào Hoa, chỉ còn trong một tơ tóc là có thể chuyển âm thanh lên đến cực điểm chiến thắng đối phương nhưng cả hai đều không đạt tới. Kim Dung dường như chung đúc cả nghìn thu tinh anh nhân loại vào một thiên tài Hoàng Dược Sư để rồi vẫn ngậm ngùi nhận ra cái hữu hạn của con người, dù đó là tuyệt thế kỳ nhân so với cái lẽ vô cùng vô tận của đất trời. Hoàng Dược Sư dù là một bậc kỳ tài hy hữu tuyệt luân, một bậc tôn sư cổ quái dị thường nhưng rốt cuộc vẫn là một con người với nhiều nhiều hệ lụy. “Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần”. Họ Hoàng nào phải những thế ngoại cao nhân như Vô Danh tăng trong Thiên Long Bát Bộ hay Trương Tam Phong trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, là những kẻ phải chăng đã vượt qua cái cõi trần gian đầy những ngọt ngào hạnh phúc và cay đắng khổ đau của tình yêu, thù hận và tham vọng loài người? Các vị ấy siêu việt quá, phi thường quá, xa lạ quá. Những kẻ văn võ song toàn như Tiêu Dao Nhị Tiên, Tạ Tốn đều không sánh vào đâu so với kỳ tài và khí phách của bậc võ lâm chi bá Đông Tà. Còn những bậc anh hùng như Tiêu Phong, hay những kẻ mưu đồ quyền lực “duy ngã độc tôn” như Nhâm Ngã Hành lại đời thường quá, võ biền quá so với họ Hoàng! Nhân vật có thể so sánh với Hoàng Dược sư có lẻ chỉ một Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo.
Trong ngũ bá, không hiểu sao người được Kim Dung phong ở ngôi vị trung tâm “thiên hạ đệ nhất nhân trung thần thông” Vương Trùng Dương lại tầm thường đến thế? Vương Trùng Dương là một kiểu nhân vật “yêu nước thương dân” nhàn nhạt trong các tiểu thuyết chương hồi nhưng lại không dám yêu không dám hận, vậy sao bằng hai chữ “Đông Tà” để như một cánh chim bằng đạp bằng mọi ràng buộc rắm rối giả định của cuộc đời mà vùng vẫy giữa ngàn khơi? Trong tứ bá còn lại, Đông tà được Kim Dung kỳ công xây dựng đặc sắc nhất để đọng lại vô vàn ẩn ngữ trong cuộc bể dâu. Hơn hai nghìn năm xưa nếu một Lão Tử đã tuyên bố một cách đầy “nghịch lý” là “chính ngôn nhược phản” thì cũng dễ hiểu một Đông Tà tuy “tà” nhưng luôn được đệ tử hết dạ kính yêu, tuy “tà” nhưng thu tóm tất cả mọi tuyệt học càn khôn, tuy “tà” nhưng được biết bao con người ngưỡng mộ ước ao và tuy “tà” nhưng mãi mãi ngạo nghễ uy trấn phương Đông một cõi trời…
Đảo Đào Hoa phải chăng là một chốn bồng lai nơi cõi thế và Hoàng Lão có khác gì một thần tiên duy mỹ giữa đời thường! Những gì thuộc về Hoàng Dược Sư đều rất đẹp và hư ảo. Hoàng Dược Sư là kẻ phong tư anh tuấn nhất mực tiêu sái ung dung. Hoàng phu nhân và con gái đều là những trang quốc sắc thiên hương và thông tuệ phi phàm. Đảo Đào Hoa mãn thiên sắc hoa đào đẹp như một chốn thiên tiên và cả những pho tuyệt học võ công Lạc Anh chưởng, Lạc Anh Kiếm cũng đẹp như sương như khói. Hình tượng Hoàng Dược sư được Kim Dung xây dựng gần như hoàn hảo cho cái chân mỹ của cuộc đời. Nhưng hỡi ôi trong cái đẹp ấy lại ẩn chứa một tâm sự ray rứt thương đau như tiếng tiêu sầu miên viễn u hoài trong đêm khuya khoắt giữa trùng khơi sóng vỗ: người hồng nhan tri kỷ vô vàn thương yêu của ông sớm từ bỏ cuộc đời vì chính tham vọng tranh chiếm Cữu âm chân kinh của mình!
Phải chăng sự đời những gì đẹp đẽ đều mong manh không bao giờ trọn vẹn? Và thử hỏi xuyên suốt thiên thu kim cổ, liệu có được bao nhiêu khách hào hoa “đào hoa ảnh lạc phi thần kiếm, bích hải triều sinh tấu ngọc tiêu”…
[Theo VietKiem.com]
> http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoang Duoc Su
related posts
Kim Dung
NAD
30/10/2007
5
Thôi mài tiu rùi :D
ReplyDeleteLần sửa thứ 3 của Kim Dung kao thấy mài thật là ... kinh :D heeee
Lão tà yêu tiểu đồ Mai Siu Phong, hỏng cả hình tượng đang đẹp :(
ReplyDeleteBài viết hay lắm :) mình cũng rất thích Đông tà
ReplyDeleteLâu ko xem phim Kim Dung, dạo này cũng ko có phim mới làm lại :(
ReplyDeleteuhm , cong nhan dong ta hay thiet
ReplyDelete